Packaging là gì? Đóng gói hàng hóa (packaging) là hoạt động đóng gói khi hiểu rõ đặc tính của loại hàng hóa cũng như điều kiện tự nhiên mà nó phải chịu trong quá trình vận chuyển, vừa đảm bảo cho sự an toàn của hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. Bao bì hàng hóa (package) là một loại sản phẩm công nghiệp đặc biệt được dùng để bao gói và chứa đựng nhằm bảo vệ giá trị sử dụng của hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo quản, vận chuyển, xếp dỡ và tiêu thụ sản phẩm.
Chức năng:
Bảo quản và bảo vệ bên trong hàng hóa.
Hợp lí hóa, tạo điều kiện thuận tiện cho việc vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa.
Thông tin, quảng cáo sản phẩm, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Phân Loại
Theo công dụng của bao bì: bao bì trong (gồm bao bì kiểu treo, bao bì kiểu mang xách, bao bì dễ mở, bao bì phun , bao bì đồng bộ, bao bì tặng phẩm) và bao bì ngoài.
Theo số lần sử dụng bao bì: bao bì sử dụng một lần và bao bì sử dụng nhiều lần.
Theo đặc tính chịu nén của bao bì: bao bì cứng, bao bì nửa cứng và bao bì mềm.
Theo vật liệu chế tạo: bao bì gỗ, bao bì kim loại, bao bì hàng dệt, bao bì giấy, carton, bap bì bằng các loại vật liệu nhân tạo, tổng hợp, bao bì thủy tinh, bao bì bằng tre nứa.
Yêu cầu đối với bao bì khi đóng gói hàng hóa
Phù hợp với loại hình vận chuyển ( tàu biển, máy bay, xe tải, hàng rời, hàng container…)
Có kích thước phù hợp để dễ dàng trong việc lưu kho bãi, trên pallet hoặc trong container.
Đáp ứng được yêu cầu về độ bền, dẻo dai để chịu được sự va chạm, kéo, đẩy trong quá trình lưu trữ, bốc xếp và vận chuyển đường biển, đường hàng không cũng như đường bộ.
Phù hợp với việc thay đổi khí hậu, thời tiết ở các khu vực khác nhau.
Đảm bảo tính năng bảo vệ sản phẩm của bao bì để không làm sản phẩm bị biến mùi, ẩm mốc, hư hỏng.
Thể hiện rõ những yêu cầu cần lưu ý trong quá trình xếp hàng, vận chuyển, bốc xếp …. trên bao bì.
Đóng gói hàng hóa (Packaging)
Đóng gói đơn vị: cách đóng gói này tương ứng với các đơn vị mua của người tiêu dùng cuối cùng. Bao bì đóng gói phải phù hợp với hàng hóa, được sử dụng trong 1 thời gian dài và có mã vạch đi kèm phục vụ cho việc thanh toán.
Đóng gói theo nhóm: (bulking packaging) tương ứng với đơn vị mua bởi 1 nhà bán lẻ hoặc nhà phân phối. Hàng hóa thường được đóng gói vào thùng giấy, carton rồi tập hợp trên pallet.
Đóng gói theo nhóm: (group packaging) toàn bộ kiện hàng trên pallet sẽ được gắn thẻ SSCC (Serial Shipping Container Code – số seri hàng hóa vận chuyển bằng container) để xác định số lượng thùng/hộp carton của toàn bộ lô hàng, hạn sử dụng và số của lô hàng.
Đóng gói hàng trong kho (Warehouse packaging): Các sản phẩm được lưu trữ trên hệ thống kệ/giá đỡ. Kích thước bao bì phải phù hợp với kích thước của từng vị trí. Bao bì sản phẩm quá khổ sẽ được đặt ở dưới cùng hoặc trên cùng của giá đỡ. Kho đóng gói phải được mở hoặc đóng cửa thường xuyên; tránh độ ẩm mốc, côn trùng và các yếu tố ô nhiễm từ bên ngoài.
Đóng gói bao bì vận chuyển: được xác định dựa trên tuyến đường vận chuyển. thời gian vận tải, các phương tiện xếp dỡ, nâng hạ hàng hóa, khí hậu và môi trường của khu vực có liên quan. Việc đóng gói bao bì vận chuyển tuân theo các chỉ tiêu bao bì quốc tế – đặc biệt là ISO, Uỷ ban kĩ thuật 122 và WPO (World Packaging Organization – Tổ chức bao bì thế giới)
Cách đóng gói một số mặt hàng
Cách đóng gói đối với hàng điện tử
Máy tính xách tay, máy in, điện thoại, màn hình … sử dụng chất liệu đệm là mút, xốp, bọt mềm. Đó là những tấm lót đặc biệt như polyetylen (PE), polyuretan (PU), và polypropylen (PP). Những miếng bọt này bảo vệ các mặt hàng dễ vỡ khỏi va chạm và ảnh hưởng trong các điều kiện xử lý gói hàng bình thường và duy trì mức độ bảo vệ này trong toàn bộ quá trình phân phối. Những bọt này được thiết kế đặc biệt và được sản xuất trước phù hợp với các kích thước và trọng lượng của sản phẩm
Cách đóng gói đối vời hàng dễ vỡ
Chất liệu dùng để đóng gói hàng dễ vỡ là tấm bọt khí cuộn kín sản phẩm. Các bọt khí này có chức năng đàn hồi chống va đập. Khi đóng gói nên dùng loại giấy chuyên dùng cho đóng gói. Điều này sẽ giúp cho các sản phẩm không bị hư hỏng do va chạm vào nhau và bảo vệ sản phẩm không bị rung do lực truyền vào từ ngoài thùng. Sử dụng đủ tấm bọt để bảo đảm không di chuyển mặt hàng bên trong thùng khi lắc thùng.
Cách đóng gói đối với chai lọ chứa chất lỏng
Các bình, chai lọ chứa chất lỏng phải được bịt kín không cho chất lỏng chảy ra ngoài dù bị dộc ngược. Nếu co nhiều chai lọ trong một thùng, chúng phải được ngăn cách bởi vách ngăn hoặc dùng các vật liệu có độ đàn hồi chèn kín giữa các khoảng trống để không cho xê dịch sản phẩm. Các vật liệu chèn như: tấm bọt khí, mút, xốp, hạt nở.
Cách đóng gói đối với các vật phẩm cuộn tròn
Tranh vẽ, bản đồ… được cuộn tròn và cho vào ống nước bằng nhựa hoặc bọc bởi giấy có độ dai rồi cho vào hộp giấy.
Cách đóng gói bao bì thực phẩm
Bao bì là vật chứa đựng, bao bọc thực phẩm thành đơn vị lẻ để bán. Bao bì có thể bao gồm nhiều lớp bao bọc, có thể phủ kín hoàn toàn hay chỉ bao bọc một phần sản phẩm. Khi sử dụng máy đóng gói chất lượng, bao bì được đóng gói ở hai dạng:
Bao bì kín – chứa đựng sản phẩm làm nhiệm vụ ngăn cách môi trường bên ngoài không thể xâm nhập vào môi trường bên trong chứa thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm không bị biến đổi trong suốt thời hạn bảo quản.
Bao bì hở – bao gói trực tiếp các loại rau quả hoặc hàng hóa tươi sống, các loại thực phẩm không bảo quản lâu, chế biến ăn ngay.
Bao bì bọc bên ngoài – lớp bao bì chứa đựng trực tiếp thực phẩm, tạo sự xếp khối sản phẩm để thuận tiện, an toàn trong vận chuyển hoặc lưu kho.
Bao Bì Hàng Hóa - Lịch Sử Và Phân Loại Bao Bì
Xét về lịch sử của bao bì hàng hoá, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều thông tin thật thú vị. Từ thời cổ đại, con người đã biết dùng lá cây (như lá chuối) làm vật bao gói những sản phẩm khác. Đó là những bao bì đầu tiên trong lịch sử. Dần dần, người ta đã biết sử dụng các loại vỏ cây, các loại da thú làm những chiếc giỏ để đựng và vận chuyển những thứ kiếm được từ rừng mang về nơi trú ẩn hoặc từ nơi này sang nơi khác và để bảo quản các sản phẩm đó.
Tuy nhiên, các loại vật liệu này không đáp ứng được nhu cầu chứa đựng các vật phẩm dạng lỏng và cần bảo quản trong thời gian dài. Do vậy, các loại bao bì bằng gốm sứ đã bắt đầu xuất hiện. Tám ngàn năm trước, người Trung Quốc đã biết tạo ra những chiếc bình gốm để chứa đựng và bảo quản các sản phẩm dạng lỏng và dạng rắn. Dù các loại bao bì làm từ đất khi bị đổ vỡ dễ dàng bị thải loại và rất khó tái sử dụng, nhưng với điều kiện kinh tế lúc đó, loại bao bì này đã phát huy được tác dụng nhất định. Các loại bao bì từ gốm không gây ô nhiễm, không gây nguy hiểm, độc hại cho nước, không khí và môi trường nói chung.
Bao bì bằng thuỷ tinh đã xuất hiện để giải quyết một số khiếm khuyết của bao bì bằng gốm. Trước đây, bốn đến sáu ngàn năm, các loại chai lọ thuỷ tinh đã được sử dụng ở Ai Cập. Chúng có khả năng tái sinh do có khả năng thu hồi và tái chế. Nhưng viêc tái sinh lại cũng gặp những khó khăn trong việc thu hồi từ người sử dụng, việc sử dụng công nghệ “tái sinh” lại có thể gây ô nhiễm không khí. Những chai lọ thuỷ tinh không được thu hồi đã gây ra tác hại với môi trường đất. Bao bì bằng thuỷ tinh ngày nay đã được sản xuất bằng công nghệ mới, tiên tiến. Hình thức, kiểu dáng, chủng loại ngày càng phong phú, đa dạng, vừa có chất lượng cao vừa có tính mỹ thuật.
Công nghiệp bao bì liên tục được phát triển. Các loại vật liệu bao bì luôn được nghiên cứu, công nghệ mới để sản xuất bao bì cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm đảm bảo cho sản phẩm bao bì đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và trao đổi hàng hoá.
Bao bì bằng chất liệu giấy đã ra đời ở Trung Quốc vào khoảng vài ba ngàn năm trước. Loại bao bì này có khả năng thu hồi, tái chế và thuận tiện trong lưu thông. Công nghệ sản xuất bao bì giấy được nhiều nước đang phát triển áp dụng và ngày càng được hoàn thiện.
Bao bì hàng hoá đang trong quá trình phát triển liên tục từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Từ thuở sơ khai, bao bì được làm thủ công, số lượng nhỏ và quy cách đơn giản, với tác dụng chủ yếu để chứa đựng, vận chuyển. Ngày nay, với công nghệ sản xuất hiện đại, chất liệu bao bì đa dạng, quy cách, mẫu mã, kiểu dáng phong phú, số lượng vô cùng lớn.
Phân loại bao bì
Trong kinh doanh thương mại, việc lựa chọn các loại bao bì thích hợp với từng phương thức kinh doanh, từng thị trường, từng loại hàng hoá có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Một sản phẩm hàng hoá tốt chưa chắc đã bán được khi nó không được bao gói phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, những áp lực môi trường đang đặt ra vấn đề cấp bách với các rác thải bao bì trong quá trình tái sản xuất. Một bao bì tốt gắn liền với loại sản phẩm tốt. Theo nghĩa rộng, chất lượng sản phẩm chính là thể hiện sự thoả mãn tối ưu các nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội. Bao bì gắn liền với hàng hoá và cũng gắn liền với vấn đề môi sinh. Chính vì vậy, trong mọi hoạt động kinh doanh, cần biết chọn đúng loại bao bì cần thiết. Việc lựa chọn các loại bao bì thích hợp được dựa trên cơ sở phân loại các loại bao bì. Với những góc độ khác nhau, nhằm vào các mục đích khác nhau mà có thể phân chia bao bì theo các tiêu thức khác nhau.
Ở nhiều nước trên thế giới có ngành công nghiệp bao bì phát triển, người ta phân loại bao bì chủ yếu theo hai tiêu thức là theo vật liệu chế tạo và theo mục đích, tác dụng của bao bì đối với sản phẩm và lưu thông sản phẩm.
Ví dụ: Ở Isarel, bao bì hàng hoá được chia theo vật liệu chế tạo. Theo đó bao bì được phân loại thành:
Bao bì chất dẻo, bao bì giấy và carton;
Bao bì bằng sắt tây và nhôm;
Bao bì thuỷ tinh;
Các loại khác (chủ yếu là gỗ).
Trong khi đó, ở Đức, Hà Lan, bao bì được phân loại theo hai tiêu thức cơ bản:
Phân loại bao bì theo vật liệu chế tạo bao gồm bao bì thuỷ tinh, sắt thép, nhôm, chất dẻo, vật liệu hỗn hợp (chủ yếu là carton);
Phân loại theo mục đích sử dụng, bao gồm: Bao bì thương phẩm (gồm túi, hộp, chai lọ, giỏ), bao bì ngoài (thứ hai) – bao bì trung gian (dùng để quảng cáo), bao bì vận chuyển (thứ ba) gồm hòm, bao…
Ở nước ta, với những mục đích nghiên cứu khác nhau, bao bì được phân loại theo các tiêu thức :
Theo tiêu thức công dụng
Bao bì được chia làm hai loại:
Bao bì trong: Loại bao bì này dùng để đóng gói hàng hoá, nó trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm, thường được bán cùng sản phẩm. Do đó, giá trị của nó được cộng luôn vào giá trị sản phẩm đem bán.
Bao bì ngoài (hay bao bì vận chuyển): Loại này có tác dụng bảo vệ nguyên vẹn số lượng và chất lượng sản phẩm, phục vụ cho việc chuyên chở sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Tuỳ theo loại bao bì có thể thu hồi hay không mà giá trị của nó được tính ngay hoặc tính từng phần vào giá trị của sản phẩm tiêu thụ.
Theo số lần sử dụng
Bao bì được chia làm hai loại:
Bao bì sử dụng một lần: Đây là loại bao bì được “tiêu dùng”cùng với sản phẩm, chỉ phục vụ cho một lần lưu chuyển của sản phẩm từ khi sản phẩm được sản xuất ra đến khi sản phẩm được tiêu dùng trực tiếp. Do đó giá trị của nó được tính hết vào giá trị của sản phẩm.
Bao bì sử dụng nhiều lần: Loại này có khả năng phục vụ cho một số lần lưu chuyển sản phẩm, tức là có khả năng sử dụng lại. Thường bao gồm các loại bao bì ngoài, bao bì trong, được sản xuất từ các vật liệu bền vững (như kim loại, chất dẻo tổng hợp…). Giá trị của chúng được tính từng phần vào giá trị của sản phẩm tiêu thụ.
Phân loại theo độ cứng (độ chịu nén)
Gồm bao bì cứng, bao bì nửa cứng, bao bì mềm.
Bao bì cứng: Có khả năng chịu được các tác động cơ học từ bên ngoài, tải trọng của sản phẩm bên trong, giữ nguyên hình dạng khi thực hiện việc chứa đựng, vận chuyển, xếp dỡ.
Bao bì nửa cứng: Loại này có đầy đủ tính vững chắc khi thực hiện chứa đựng sản phẩm và vận chuyển; tuy nhiên bị giới hạn ở mức độ nhất định. Nó có thể bị biến dạng dưới sức nặng của hàng hoá, tác động sức ép khi chất đống hàng, tác động cơ học (va đập, rung xóc) khi vận chuyển.
Bao bì mềm: Dễ bị biến dạng khi chịu tác động của trọng tải hàng hoá và tác động cơ học từ bên ngoài, dễ thay đổi hình dạng. Tuy nó chịu được tác động, va chạm trong quá trình bốc dỡ vận chuyển, nhưng bao bì loại này lại là phương tiện để truyền các tác động đó vào hàng hoá và thường dùng cho các sản phẩm dạng hạt, bột, không bị ảnh hưởng bởi các tác động cơ học đến chất lượng sản phẩm.
Phân loại theo mức độ chuyên môn hoá bao bì
Bao bì thông dụng: Loại bao bì này có thể dùng để chứa đựng nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Bao bì chuyên dùng: Loại này chỉ được dùng bao gói, chứa đựng một loại sản phẩm nhất định, thường là các sản phẩm có tính chất lý, hoá học, trạng thái đặc biệt. Ví dụ: các chất khí, hoá chất độc hại, dễ cháy nổ…
Phân loại theo vật liệu chế tạo:
Đây là cách phân loại chủ yếu và phổ biến được nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý môi trường quan tâm. Theo tiêu thức này bao bì được mang tên gọi của các loại vật liệu chế tạo ra nó. Bao gồm các nhóm:
Bao bì gỗ: Bao bì gỗ có đặc điểm là dễ sản xuất, dễ sử dụng, có độ bền tương đối cao, có khả năng thu hồi sử dụng lại, vật liệu dễ khai thác. Nhưng loại bao bì này có trọng lượng tương đối nặng, chịu ẩm kém (dễ hút nước), dễ cháy, dễ bị phá hoại bởi các vật gặm nhấm (mối, mọt, chuột…). Bao bì gỗ thường ở dạng hòm, thùng chứa đóng kín hoặc có các kẽ hở nhất định.
Bao bì bằng kim loại: Loại này khắc phục được các nhược điểm của bao bì bằng gỗ nhưng chi phí vật liệu cao, trọng lượng của một số kim loại nặng, do đó thường sử dụng cho các loại sản phẩm đặc biệt: dễ cháy, nổ, dễ bay hơi, chất độc hại, sản phẩm dạng lỏng, ví dụ: xăng, dầu, ôxy, hyđrô khí nén, thuốc trừ sâu… Bao bì kim loại có khả năng sử dụng nhiều lần.
Bao bì bằng giấy, carton và bìa: Đây là loại bao bì phổ biến hiện nay trên thị trường quốc tế và trong nước. Nó chiếm khoảng 70% các loại bao bì sử dụng. Loại bao bì này có các tính chất sau: Về mặt lý học: chống ẩm (bền với nước), chịu xé, chịu gấp và chịu sự va đập (có độ cứng cao); Về hoá học: bền với hoá chất, bền với nhiệt (chịu nóng tốt), bắt lửa kém, chống được côn trùng, vi trùng; Sinh lý học: không mùi, không vị, không độc; Tâm lý học: bề mặt phẳng, dễ in ấn trang trí, dễ sử dụng. Loại này có khả năng thu hồi vật liệu để tiếp tục quá trình sản xuất các loại bao bì hàng hoá khác.
Bao bì bằng thuỷ tinh, đồ gốm: Thường để chứa đựng các sản phẩm dạng lỏng như dược phẩm, hoá chất, rượu bia, nước giải khát… loại này không độc, không phản ứng với hàng hoá, có độ cứng nhất định, nhưng rất dễ vỡ khi bị va chạm, rung xóc trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ.
Bao bì hàng dệt: Vật liệu chủ yếu là các loại sợi đay, gai , vải, sợi nylon. Đây là loại bao bì mềm, thường chứa đựng các loại sản phẩm dạng hạt rời. Loại này có độ bền nhất định, dễ chất xếp nhưng dễ bị côn trùng gặm nhấm và gây bụi bẩn.
Bao bì bằng mây, nứa, tre đan: bao bì này thường ở các dạng giỏ, lẵng, thúng, rổ. Đây là loại bao bì nửa cứng, nguồn vật liệu dồi dào, sản xuất đơn giản, tiện lợi trong sử dụng. Bao bì này thường để vận chuyển, chứa đựng sản phẩm rau quả và một số sản phẩm khác.
Bao bì bằng các vật liệu nhân tạo, tổng hợp các loại vật liệu, như các loại bao bì được sản xuất từ chất liệu polime, cao su nhân tạo, màng chất dẻo, bao bì nhựa cứng… hoặc kết hợp nhiều loại vật liệu khác để sản xuất ra các loại bao bì đảm bảo được yêu cầu trong bảo quản, vận chuyển sản phẩm.
Phân loại theo nguồn gốc của bao bì, gồm có:
Bao bì các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất: Là loại bao bì dùng để bao gói sản phẩm trong khâu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Bao bì hàng hoá của các Doanh nghiệp thương mại: Là loại bao bì chứa đựng hàng hoá chia lô, ghép đồng bộ và vận chuyển hàng hoá trong kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài các tiêu thức trên, có thể phân loại bao bì theo các tiêu thức khác như độ thấm nước, mức chất lượng, trọng lượng tương đối của bao bì, theo kiểu dáng hình học…
Tuy cách phân loại bao bì mang tính tương đối nhưng mỗi cách phân loại đều có ý nghĩa nhất định trong việc nghiên cứu sản xuất, sử dụng, quản lý và có những biện để phát huy những chức năng của bao bì đối với nền kinh tế quốc dân và với hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
Bao Bì Hàng Hóa - Vai Trò Của Bao Bì Trong Hoạt Động Kinh Doanh
Sản phẩm hàng hoá sau khi rời khỏi quá trình sản xuất trực tiếp để đi vào tiêu dùng phải trải qua các khâu: lưu kho, phân phối, vận chuyển, xếp dỡ. Ở mỗi khâu, hàng hoá đều chịu những tác động khác nhau từ phía môi trường, cơ học, lý học, hoá học. Sản phẩm được bao gói chứa đựng bằng các loại bao bì thích hợp sẽ hỗ trợ cho việc giảm thấp nhất các mất mát, biến chất, hao hụt. Bao bì sẽ tránh cho hàng hoá không bị rơi vãi, tránh được va đập, sức nén, những ảnh hưởng có hại của môi trường bên ngoài như mưa, nắng, nhiệt độ, độ ẩm, bụi bẩn, khí độc, các vật gặm nhấm, côn trùng, xâm hại đến số lượng và chất lượng hàng hoá. Ví dụ; xăng dầu dễ bị bay hơi, sản phẩm rời bị rơi vãi, sản phẩm rau quả, đồ hộp, lương thực sẽ bị côn trùng phá hoại. Mặc dù bao bì chỉ là phương tiện chứa đựng, bảo quản hàng hoá, không được sử dụng cùng hàng hoá, khi đưa sản phẩm vào tiêu dùng các loại bao bì bị thải loại ra nhưng từ lâu, bao bì đã được coi là một bộ phận cấu thành của sản phẩm, hơn thế bao bì là bộ phận không tách rời của hệ thống bảo đảm vững chắc chất lượng sản phẩm.
Bao bì đảm bảo cho hàng hoá được an toàn trong các khâu lưu chuyển của nó. Trong lĩnh vực xếp dỡ, vận chuyển, bao bì như một “lớp bảo vệ” vững chắc ngăn cản sự tác động cơ học giữa các bao bì khác nhau (sự chèn, nén, va đập do chất xếp và sự di chuyển của các phương tiện vận tải). Điều đó cũng có nghĩa bao bì góp phần tích cực vào việc ngăn chặn ảnh hưởng có hại đến chất lượng hàng hoá, tránh được đổ vỡ, dập nát, cong vênh các hàng hoá chứa đựng bên trong bao bì. Bao bì hàng hoá bảo vệ và duy trì “sự sống” của sản phẩm.
Từ lâu các nhà kinh tế bao bì đã đánh giá: vai trò của bao bì là để bảo quản, bảo vệ hàng hoá, là yếu tố để tiết kiệm của cải xã hội. Hiện nay, ở các nước đang phát triển tỷ lệ hư hại sản phẩm chế biển sẵn và các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác trong toàn bộ khâu phân phối được đánh giá vào khoảng 20 – 25%. Đây là một con số rất lớn và đáng báo động. Nguyên nhân quan trọng nhất gây hư hỏng, thối rữa lương thực, thực phẩm là do sự tấn công của côn trùng, vật gặm nhấm, chim chóc. Khâu mất mát nhiều nhất là khâu lưu kho hay trước khi hàng hoá được vận chuyển từ nhà sản xuất đến nơi tiêu thụ, cảng xuất khẩu. Một nguyên nhân khác gây ra hư hại hàng hoá là do chất lượng bao bì kém, không đảm bảo các yêu cầu của quy phạm chất xếp, độ bền vững thấp. Việc tổ chức đóng gói, tổ chức bốc xếp không hợp lý cũng gây ra những tác động xấu đến công tác bảo quản hàng hoá, phương thức vận chuyển hàng hoá và bao bì không hợp lý đã gây ra hiện tượng sản phẩm bị hư nát là phổ biến.
Như vậy, bao bì được xem là một phương tiện quan trọng để thực hiện tiết kiệm của cải xã hội. Tuy nhiên để phát huy vai trò này cần quan tâm đến các khía cạnh kỹ thuật sản xuất (công nghệ, thiết kế, vật liệu), kỹ thuật bao gói (hình thành các đơn vị hàng hoá), kỹ thuật xếp dỡ, vận chuyển để có những bao bì hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhất việc bảo quản, bảo vệ hàng hoá trong suốt quá trình lưu kho và lưu thông sản phẩm.
Bao bì tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xếp dỡ, vận chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng của thiết bị xếp dỡ, vận chuyển, công suất chứa đựng của các nhà kho, bến bãi…
Một trong những nhân tố quyết định đến việc tăng năng suất lao động trong xếp dỡ, vận chuyển là thực hiện cơ giới hoá các khâu này. Vấn đề bao gói hàng hoá bằng các loại bao bì thích hợp, đặc biệt là bao bì vận chuyển cho phép hình thành các đơn vị hàng hoá phù hợp với các phương tiện xếp dỡ, vận chuyển, kể cả trong trường hợp xếp dỡ vận chuyển thủ công. Sản phẩm có bao gói khi vận chuyển xếp dỡ sẽ thuận tiện hơn nhiều lần so với các sản phẩm chi tiết riêng biệt.
Bao bì cho phép tập trung hàng hoá thành các đơn vị sử dụng, đơn vị buôn bán, đơn vị vận chuyển, tạo điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khâu vận chuyển, xếp dỡ và giao nhận.
Bao bì hàng hoá được tiêu chuẩn hoá theo đúng quy định cho phép giao nhận, đầy đủ khi kiểm nhận, thuận tiện chính xác trong xác định chất lượng, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Kích cỡ bao bì vận chuyển hợp lý tạo cơ hội sử dụng hết công suất của các loại phương tiện chất xếp. Trong lĩnh vực này người ta thường tập trung hàng hoá thành các “đơn vị bốc xếp” để “tiết kiệm” phương tiện vận chuyển. Từ năm 1961 ở các nước đã có khoảng 20 – 30% hàng hoá được tập trung thành đơn vị bốc xếp. Ngày nay con số này đã tăng lên đến 70 – 80% và do đó đã tiết kiệm được khoảng 50% phương tiện vận chuyển.
Việc chất xếp hàng hoá trong các nhà kho, sân bãi sẽ thuận tiện và có hiệu quả cao khi các loại hàng hoá được bao gói thích hợp với việc ứng dụng cơ giới hoá trong bốc xếp, với các hình dáng, độ bền vững thích hợp và kỹ thuật chất xếp hợp lý, có thể xếp được chồng hàng cao hơn, dung lượng chứa đựng nhiều hơn. Điều đó cũng có nghĩa diện tích, chiều cao nhà kho và các thiết bị chứa đựng (giá, bục để hàng) được tận dụng triệt để hơn.
Để cho quá trình bốc dỡ, vận chuyển, giao nhận được thuận tiện, an toàn, chính xác và hiệu quả; sử dụng tối đa công suất nhà kho và thiết bị chứa đựng, cần quan tâm đến yếu tố chất lượng bao bì. Kích thước bao bì cần được tiêu chuẩn hoá, kết cấu bao bì phải bền chắc, phải “khoẻ’ để chịu đựng được các lực bốc xếp; có ký mã hiệu hướng dẫn vận chuyển, bốc xếp (mã số bao bì, phiếu bao gói nơi đến, nơi xuất phát, sức chứa, các ký hiệu an toàn, tránh lăn đẩy, tránh mưa, tránh nắng, quy định xếp hàng… đặc biệt với các hàng độc hại, nguy hiểm, dễ vỡ…). Bao gói hàng hoá phải theo đúng quy phạm để hạn chế tối đa hư hỏng sản phẩm do va chạm, rung sóc, sức nén khi thực hiện các nghiệp vụ trên.
Bao bì là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ cho những nhân viên giao nhận, xếp dỡ, vận chuyển, bảo quản hàng hoá, bảo vệ sự trong lành của môi trường xung quanh.
Sản phẩm hàng hoá (đặc biệt là các sản phẩm độc hại, gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường) được bao gói bằng những bao bì thích hợp sẽ cách ly được các ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người lao động, đảm bảo môi trường lao động trong lành và bảo vệ môi trường xung quanh. Các sản phẩm dễ cháy, nổ nếu được bao gói đúng quy chuẩn và bảo quản trong điều kiện thích hợp sẽ đảm bảo được độ an toàn cao cho người lao động, cho các loại phương tiện khi tiến hành giao nhận, xếp dỡ, vận chuyển. Vì vậy, trong kinh doanh thương mại, ngoài việc sử dụng các vật liệu bao bì phù hợp với đặc điểm kỹ thuật, tính chất cơ, lý, hoá học của sản phẩm để chứa đựng, bao gói, còn cần phải thực hiện các tiêu chuẩn hoá về ghi ký mã, nhãn hiệu hàng hoá, các ký hiệu chỉ dẫn các nghiệp vụ xếp dỡ, vận chuyển, điều kiện bảo quản các loại hàng hoá nhất là với các loại hàng thuộc nhóm độc hại nguy hiểm.
Chức năng nhận biết (Thông tin)
Bao bì là một trong những phương tiện quan trọng thực hiện thông tin quảng cáo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, là hình thức phục vụ khách hàng văn minh.
Người tiêu dùng thông qua sự thể hiện bên ngoài của bao bì như hình dáng bao gói, các phương pháp in ấn, trang trí nhãn hiệu để nhận biết, phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác; sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác giúp cho khách hàng dễ dàng lựa chọn đúng sản phẩm mà họ yêu cầu. Bao bì tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm là yếu tố cơ bản để “cá biệt hoá” sản phẩm.
Những thông tin trên bao bì ngoài các thông tin cần thiết để nhận biết sản phẩm còn có các thông tin thể hiện về mặt luật lệ, các thông tin cho người sử dụng sản phẩm. Chẳng hạn các thông tin hướng dẫn về điều kiện lưu kho, hướng dẫn lắp đặt, vận chuyển, sử dụng, thời hạn sử dụng tốt nhất của sản phẩm; số, mã hiệu của kiện hàng, các điều kiện phòng ngừa (tránh nắng, mưa, dễ vỡ…); các thông tin về thành phần, thông tin dinh dưỡng, số lượng, chất lượng giúp cho khách hàng lượng hoá được lợi ích của mình khi quyết định mua hàng.
Chức năng thương mại
Bao bì một loại sản phẩm nhất định trở thành ấn tượng quen thuộc của những người mua sắm thường xuyên, trở thành tiềm thức của mỗi khách hàng khi lựa chọn hàng hoá, để phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác, sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác
Trong nền kinh tế hàng hoá, sản phẩm được sản xuất ra với số lượng vô cùng lớn với vô vàn quy cách chủng loại. Trong đống khổng lồ hàng hoá như vậy, người tiêu dùng sẽ lựa chọn như thế nào? Cái gì là tín hiệu đầu tiên để khách hàng tìm kiếm sản phẩm theo yêu cầu của họ? Đó chính là bao bì hàng hoá. Khách hàng dựa vào bao bì để tìm ra những sản phẩm mà họ cần.
Bao bì giúp cho người mua có cảm giác ban đầu đúng về sản phẩm bên trong. Thông qua các thông tin ghi trên bao bì, bao bì có khả năng giúp cho người mua nhận biết đầu tiên. Nó thu hút sự chú ý của người mua khi đi vào các gian hàng siêu thị. Bao bì mang đến cho họ sự kích thích về hàng hoá, làm tăng khả năng bán hàng của doanh nghiệp. Thông qua màu sắc, kiểu dáng và cách trình bày hàng hoá trong các gian hàng, qua các thông tin, ký mã nhãn hiệu ghi trên bao bì, bao bì đã tự nó giới thiệu hàng hoá. Tại các gian hàng không có cách nào khác đối với người mua lần đầu để tìm được hàng ngoại trừ bao bì hàng hoá hoặc đã có sự giới thiệu trực tiếp của nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng hay của những người đã mua trước.
"QC" Cty in Thành Mỹ chuyên in offset, hộp nhựa trong thành mỹ, khẩu trang vải, in trên nhựa,...
ĐC: Số 1019 Hương Lộ 2, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM
Điện thoại: (84-8) – 38 619 282 – 39 753 124
Fax: 08. 38 617 558
Hotline: 0912 380 998 – 0913 248 781
Email: inthanhmy@gmail.com
Fb: https://www.facebook.com/inthanhmy
Website: https://inthanhmy.com